Chốn thâm cung khi xưa không ngừng dậy sóng bởi chuyện phi tần ghen tức hay vì quyền lực, sự ân sủng mà ngấm ngầm nghĩ ra phương thức đấu đá, hãm hại
Chốn thâm cung khi xưa không ngừng dậy sóng bởi chuyện phi tần ghen tức hay vì quyền lực, sự ân sủng mà ngấm ngầm nghĩ ra phương thức đấu đá, hãm hại nhau. Vào thế kỷ XIV, hậu cung nhà Trần cũng từng có phen chấn động bởi âm mưu gieo bùa chú nguyền rủa đầy thâm độc của một vị thứ phi .

Vị thứ phí sử dụng bùa yểm để thòa lòng ghen tức
Theo Việt sử tiêu án, người phụ nữ này là phi tần của Trần Minh Tông (1314 – 1329), được phong làm Thứ phi lấy hiệu Triều Môn, bởi vậy sử cũ vẫn thường gọi bà là Triều Môn Thứ phi. Đến nay vẫn chưa rõ vị Thứ phi này tên họ, thân thế cũng như nhập cung năm nào. Vào cuối năm 1319, Triều Môn hạ sinh Trần Nguyên Trác, là hoàng tử thứ hai sau Thái tử Trần Vượng, sau này được phong tước Cung Tĩnh Vương.
Năm 1329, Trần Minh Tông quyết định nhường lại ngôi cho Thái tử Trần Vượng (tức Trần Hiến Tông) để lên làm Thái Thượng hoàng. Sau 12 năm tại vị, Trần Hiến Tông băng hà khi chưa có con nối dõi. Thay vì người con thứ hai là Trần Nguyên Trác được kế vị, lão Thượng hoàng lại quyết định truyền ngôi cho Hoàng tử thứ mười mới chỉ 5 tuổi là Trần Hạo (tức Trần Dụ Tông).
Chiếu chỉ này với mẹ con Thứ phi Triều Môn là một cú đòn trời giáng. Theo lẽ thường, Trần Hiến Tông qua đời không có con nối thì người em gần nhất tức Trần Nguyên Trác sẽ được thừa kế ngôi báu. Bởi thế, khi Triều Môn tưởng chừng ngôi vị hoàng đế đã nắm chắc trong tay con trai mình, Thượng hoàng lại cố tình bỏ qua con bà để lập Trần Hạo làm đế vương. Quyết định này chính là nguồn cơn cho mọi sự căm tức, đố kị và dẫn đến những hành động điên cuồng sau này của Triều Môn.
Khi Trần Hạo lên ngôi, sự ghen tị, không cam lòng của Triều Môn ngày càng đậm sâu và đỉnh điểm của cơn ghen tức lồng lộn này, Triều Môn đã lên kế hoạch cho âm mưu yểm bùa trù ẻo ba người con của Hiến Từ Hoàng hậu cho hả dạ. Bà bí mật liên hệ với một tên đạo sĩ và được chỉ cho cách vẽ, sử dụng bùa chú. Nắm được cách yểm bùa, Triều Môn mua từ hắn một con cá bống, viết tên ba người con của Hiến Từ Hoàng hậu lên lá bùa rồi nhét vào miệng cá, sau đó âm thầm thả cá bống xuống giếng Nghiêm Quang. Khi hoàn tất, bà ta đã mừng thầm trong lòng, chắc mẩm Trần Hạo khó mà sống sót qua kiếp nạn này, và rồi ngôi vị “cửu ngũ chí tôn” cuối cùng sẽ thuộc về con trai bà ta.
Thế nhưng, việc trù yểm của Thứ phi đã không trót lọt. Một anh lính canh cổng đã tình cờ bắt được con cá bống dưới giếng và phát hiện ra lá bùa nguyền rủa trong miệng cá. Người lính này đã ngay lập tức bẩm báo với Thái Thượng hoàng về việc có người dùng bùa ngải trong cấm cung, khiến ông vô cùng kinh hãi và truyền bắt hết cung nhân, các mụ, các tì trong cung để xét hỏi. Thế nhưng, Hiến Từ Hoàng Hậu đã nhanh chóng ngăn cản, vì vốn là người nhân hậu nên bà không muốn hàm oan người vô tội. Bà xin được tự mình điều tra và chẳng bao lâu sau đã tìm ra chủ mưu.
Khi biết thủ phạm là Thứ phi Triều Môn, Thượng hoàng đã rất tức giận muốn tra xét đến cùng nhưng Hiến Từ Hoàng hậu lại ra tay ngăn cản. Bởi nếu chuyện này lộ ra ngoài, sau này Trần Dụ Tông chắc chắn sẽ có hiềm khích với Cung Tĩnh Vương mà dẫn đến hoàng tộc bất hòa. Bởi vậy, tuy mọi mưu toan của Thứ phi đều tan thành mây khói nhưng lại không bị trừng phạt do được Hiến Từ Hoàng hậu bỏ qua không truy cứu và che đậy cho âm mưu vỡ lở này. Tuy nhiên, Hoàng hậu có giấu kín đến mấy cũng không tránh được miệng lưỡi thiên hạ, sự việc này đã đến tai của tướng quân Trần Tông Hoắc.
Năm 1357, Trần Minh Tông tạ thế, Trần Dụ Tông đã 21 tuổi, đủ trưởng thành để cai trị đất nước. Khi ấy, Trần Tông Hoắc đã thừa cơ kể lại chuyện cá bống năm xưa và thêm mắm dặm muối khiến cho vua nảy sinh lòng ngờ vực với Trần Nguyên Trác (lúc này là Thái Úy). Tưởng rằng Thái Úy có âm mưu nguyền rủa mình, Trần Dụ Tông đã hạ lệnh bắt giam chờ ngày tra xét, xử tội. Có lẽ lời nguyền rủa năm xưa của Triều Môn Thứ phi đã “ứng nghiệm ngược” lên con trai bà ta. Đây có thể coi là quả báo thích đáng cho sự hẹp hòi, độc ác của Thứ phi Triều Môn.
Cũng may, nhờ Hiến Từ Hoàng hậu và các đại thần trong triều ra sức khuyên giải, xin miễn tội cho mà Trần Nguyên Trác mới giữ được tính mạng và còn được phục hồi tước vị. Sau lần dạo qua Quỷ Môn Quan này, Trần Nguyên Trác luôn chú ý giữ mình và hết mực trung thành, sau cùng còn được phong làm Hữu Tướng Quốc.
COMMENTS