HomeUncategorized

Cuộc hôn nhân sắp đặt bi kịch nhất của nhà Đinh

“Một Lý Chiêu Hoàng với cuộc đời đầy rẫy bi kịch, một An Tư vì quốc gia mà phải ôm ngậm ngùi đắng cay, một Nam Phương bất hạnh vì người chồng đa tình,

Giá đập hộp iPad Mini 6 cuối tháng 2/2022, cấu hình ăn đứt máy tính bảng Android cùng tầm
Acer Predator Helios 500 – chiến binh mạnh nhất dòng laptop gaming Acer
Bản chất của kit test nhanh Covid-19; loại bỏ kit test “trôi nổi” trong phút mốt

“Một Lý Chiêu Hoàng với cuộc đời đầy rẫy bi kịch, một An Tư vì quốc gia mà phải ôm ngậm ngùi đắng cay, một Nam Phương bất hạnh vì người chồng đa tình,… Đối với nữ nhân thời phong kiến mà nói, hạnh phúc hôn nhân là một điều gì đó vô cùng xa xỉ… Điều đó cũng không ngoại lệ với một nàng công chúa nhà Đinh, một người chịu đựng đau đớn từ thể xác đến cả tâm hồn bởi chính người chồng đầu ấp tay gối.”

Công chúa Phất Kim là ái nữ của Đinh Tiên Hoàng. Sử sách không ghi chép nhiều về nàng. Nhưng nàng lại được người đời sau nhắc đến nhiều hơn các chị em của mình qua những đắng cay trong hôn nhân với người chồng bạc tình Ngô Nhật Khánh.

Công chúa Phất Kim và cuộc hôn nhân đầy sự đau khổ

Công chúa Phất Kim và cuộc hôn nhân đầy sự đau khổ

Thân phận của Ngô Nhật Khánh rất phức tạp, không những là con riêng của một trong năm vị hoàng hậu của Đinh Tiên Hoàng, có dòng dõi tiên chúa Ngô Quyền, ông cũng chính là một trong mười hai sứ quân khi Ngô mạt. Dù bề ngoài Nhật Khánh tỏ vẻ quân tử ôn hoà lễ độ, nói cười vui vẻ nhưng trong lòng vẫn luôn ngấm ngầm tính chuyện mưu phản. Vua Đinh Tiên Hoàng đương nhiên biết rõ những điều này trong lòng bàn tay. Từ đó, một âm mưu chính trị, một ván cờ phức tạp được lên kế hoạch, che đậy bằng thứ gọi là ‘Thiên duyên tiền định’.

Trong bữa yến tiệc mừng đại hôn của vua với mẫu thân Ngô Nhật Khánh, Đinh Tiên Hoàng đã khéo léo sắp xếp Phất Kim đến chúc rượu. Ngay lần đầu thấy được dung nhan của nàng Phất Kim, Nhật Khánh đã say mê trước vẻ kiều diễm của nàng. Vào lượt chúc rượu sau, Nhật Khánh chủ động giơ tay đón ly rượu để được chạm vào bàn tay ngọc ngà của công chúa và cũng không ngần ngại hỏi quý danh của nàng. Đến lần chúc rượu thứ ba, Nhật Khánh táo bạo cầu hôn nàng trước mặt bao tân khách đang ngồi trong điện khi đó.

Tất cả những việc đó đều bị Đinh Tiên Hoàng nắm lấy vào tay. Ván cờ từ đây kể như chính thức bắt đầu. Vua cho gọi Phất Kim đến dặn dò và muốn nàng chấp thuận lời cầu hôn của Nhật Khánh. Dù nàng có muốn hay không, thì đây là trách nhiệm của nàng, thứ trọng trách không cách nào chối bỏ được của một người con gái mang họ Đinh lúc bấy giờ.

Thời gian đầu sau khi lấy nhau, Ngô Nhật Khánh và Phất Kim đã trải qua những ngày tháng hạnh phúc. Tưởng chừng những tháng ngày bình yên ít ỏi sẽ khiến phu quân đã quên việc tạo phản, nhưng quyền lực lại như một con sâu mọt, dần dần cắn nuốt linh hồn con người đến khi không còn cách nào cứu vãn. Một ngày, có một người lái buôn từ phương Bắc đến trao cho Ngô Nhật Khánh một phong thư và xì xầm to nhỏ những điều cơ mật động trời không thể để ai biết. Sau khi xem thư, Ngô Nhật Khánh đã lên kế hoạch, xin phép vua cha cho hai vợ chồng đi kinh lý Ái Châu bằng đường thủy và xin thêm năm chiến thuyền hộ tống.

Khi thuyền đang xuôi dòng, công chúa Phất Kim hỏi chồng rằng mình sẽ đi đâu. Nghĩ rằng phận gái xuất giá tòng phu, Ngô Nhật Khánh không ngần ngại nói rằng mình định đi cầu cứu vua Chiêm để giành lại ngôi vua và hứa hẹn với Phất Kim, nhất định sẽ để nàng trở thành hoàng hậu của nước Đại Cồ Việt sau này.

Nghe xong dã tâm của Nhật Khánh, Phất Kim vô cùng hốt hoảng. Nàng một mực khuyên giải chồng bỏ ngay ý định tạo phản, tiếp tục trở về những tháng ngày hạnh phúc trước kia, đừng làm điều sai trái để ngàn năm phải gánh tội bất hiếu, bất trung. Nhưng lòng của Nhật Khánh nay đã bị quyền lực làm cho mê loạn, bèn quát lớn với nàng rồi lạnh lùng rút kiếm, thẳng tay để lại một ‘vết sẹo’ trên má người vợ mà mình từng yêu thương. Đáng bi phẫn nhất, Nhật Khánh sau đó đã bỏ rơi nàng, tiếp tục chạy theo cái mà hắn gọi là giấc mộng bá nghiệp.

Bị phu quân mang tâm ruồng bỏ, bị hủy đi dung nhan đã khiến lòng của Phất Kim từ đó nguội lạnh. Vết thương ngoài da có thể dùng thuốc chữa lành, nhưng vết thương lòng thì đã trở thành một vết sẹo in sâu vào tận xương tủy, chỉ cần động đến liền rỉ máu không ngừng. Một thời gian sau đó, nàng xuống tóc đi tu nhưng cửa Phật vẫn không đủ sức xoa dịu đau thương trong lòng, cuối cùng bèn tìm đến cái chết để giải thoát. Phất Kim gieo mình xuống giếng nước lầu Vọng Nguyệt ở phía tây bắc Kinh thành tự vẫn. Phật dạy chúng sinh dùng im lặng để giác ngộ, dùng nhắm mắt để hiểu lục căn của mình, tiếc là Phất Kim oán niệm quá sâu, nào đâu nói buông bỏ liền có thể buông? Chết, đôi khi chính là biện pháp cuối cùng vậy.

Liệu Phất Kim có thật sự mong muốn cuộc sống như vậy hay không? Một cuộc sống trước giờ chỉ toàn những khổ đau và bi kịch? Chung quy vẫn do thân phận, định kiến như thiên la địa võng đã trói buộc nàng chặt chẽ đến mức không cách nào vùng vẫy. Tiền tài, danh vọng có thể đủ đầy, kẻ hầu người hạ nối đuôi không ngừng, quyền lực không thua bất kì ai nhưng rồi vẫn sẽ chỉ là các con cờ trên ván cờ chính trị không bao giờ kết thúc. Biển người vô biên, kiếp người bi ai cũng không hề thiếu. Thương xót? Bi phẫn? Đồng cảm? Chút tình cảm cỏn con này chẳng phải rồi sẽ chìm vào dòng thời gian vô tận kia hay sao, hà cớ gì tâm can lại cứ thổn thức không nguôi đây?

COMMENTS

WORDPRESS: 0
DISQUS: 0