HomeLịch sử

Cồ Quốc Hoàng Hậu – Bà tổ của nghề may Việt Nam là ai?

Đinh Tiên Hoàng là vị vua đầu tiên lập nhiều hoàng hậu (vua lập năm hoàng hậu: Đan Gia, Trinh Minh, Kiểu Quốc, Cồ Quốc, Ca Ông). Từ đó mở ra lệ “đa

Thiên Thành Công Chúa Cùng Vụ Cướp Dâu Đình Đám Nhất Lịch Sử
Phạm Thị Trân – “Dải lụa” đánh tiếng trống vang
Phất Ngân Công chúa – Cuộc hôn nhân hạnh phúc hay một nước cờ chính trị?
Cồ Quốc Hoàng Hậu - Bà Tổ Nghề May Việt Nam

Cồ Quốc Hoàng Hậu – Bà Tổ Nghề May Việt Nam

Cồ Quốc Hoàng hậu là ai?

Cồ Quốc Hoàng hậu tên thật là Nguyễn Thị Sen(?), hiện không rõ năm sinh, năm mất. Theo thần tích đền thờ tổ nghề may ở làng Trạch Xá kể lại thì bà là người con gái công dung ngôn hạnh, tài đức vẹn toàn của làng. Ngay từ nhỏ, ngoài việc phụ giúp cha mẹ chuyện nhà cửa, người con gái tên Sen còn vô cùng chăm chỉ và khéo léo trong việc hái dâu nuôi tằm, quay tơ dệt vải. Ngoài ra, tại làng Trạch Xá, bà Sen đã tập hợp một số người giỏi may vá lại cùng học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, may trang phục áo quần để bán cho dân chúng trong vùng.

Đến tuổi cập kê, nhan sắc nổi bật và khả năng thêu thùa may vá khéo léo của Nguyễn Thị Sen đã nổi tiếng khắp cả một vùng. Nhiều chàng trai đến dạm hỏi, ngỏ lời cưới cô về làm vợ nhưng cô đều nhẹ nhàng từ chối mà nói rằng: “Phận làm con hiếu lễ làm đầu, nay cha mẹ vẫn còn nhưng sức đã yếu thì tôi phải hết lòng phụng dưỡng, đâu dám vì chuyện riêng của mình mà quên đi bổn phận”.

Khi ấy đất nước mới trải qua loạn lạc 12 sứ quân, đời sống người dân hết sức khó khăn, mùa màng thất bát do hậu quả của binh lửa chiến tranh. Năm 968, Đinh Tiên Hoàng lên ngôi Hoàng đế sau khi đứng lên lãnh đạo binh lính dẹp tình trạng cát cứ, đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt, lấy Hoa Lư làm kinh đô, đặt niên hiệu là Thái Bình như ước muốn xây dựng một đất nước giàu mạnh, một xã hội thái bình, thịnh trị, ấm no, hạnh phúc.

Chuyện kể rằng khoảng đầu niên hiệu Thái Bình (970-979), vua Đinh Tiên Hoàng đã đi đến nhiều vùng trong cả nước để xem xét tình hình cuộc sống của người dân, chiêu mộ thêm binh lính, hào kiệt, và tìm kiếm thêm nhiều nhân tài đưa về xây dựng kinh đô Hoa Lư, góp phần phát triển đất nước.

Khi qua đất Trạch Xá của xứ Sơn Tây, nhà vua rất ngạc nhiên trước khung cảnh người dân ở đây ai ai cũng áo quần trang nhã. Vua Đinh cho dừng kiệu để hỏi nguyên do thì được biết về Nguyễn Thị Sen và những người thợ tài hoa. Thấy cô thôn nữ nhan sắc tuyệt trần, lại vô cùng hiền thục, tài hoa, may vá khéo léo nên vua ngay lập tức làm lễ hỏi cưới. Sau đó không lâu, vua Đinh đón Nguyễn Thị Sen về kinh đô Hoa Lư, lập làm hoàng phi thứ tư nên mọi người thường gọi nàng là Tứ phi.

Nhà vua tin tưởng về tài khéo tay của Nguyễn Thị Sen nên giao cho nàng trông coi việc dạy cung nữ nuôi tằm, dệt vải, may áo quần triều phục cho hoàng cung. Không những vậy, vua Đinh còn truyền khắp nhân gian dâng vải lụa đến cho nàng. Với sự khéo léo và sáng tạo, Nguyễn Thị Sen đã giúp các cung nữ phát triển, sáng tạo được nghề may trong cung vua. Tứ phi dạy họ cách làm ra những sản phẩm mũ áo, trang phục đa dạng, đẹp đẽ, được hoàng thân, quốc thích, hậu phi, công chúa, hoàng tử rất thích.

Sống trong cung được 10 năm, Tứ phi Nguyễn Thị Sen chỉ sinh được cho Đinh Tiên Hoàng được một nàng công chúa. Theo truyền thuyết, Hoàng hậu Nguyễn Thị Sen mơ thấy con rồng vàng bay xuống hóa thành một đôi chim công. Bà bắt được bèn chia cho Hoàng hậu Đinh Thị Tỉnh một con. Sau này Nguyễn Thị Sen lại chiêm bao thấy có bà tiên đưa hoàng hậu ra tắm ở ao sen và bẻ một bông sen trao cho. Nguyễn Thị Sen đem hoa sen về nhà thì hóa ra cô bé nằm ở trong tiếng khóc oe oe. Ít lâu sau cả hai Hoàng hậu đều có thai. Nguyễn Thị Sen sinh ra công chúa Liên Hoa còn Đinh Thị Tỉnh sinh ra công chúa Phù Dung.

Tháng 10 năm Mậu Dần (978), Đinh Tiên Hoàng và con cả là Đinh Liễn bị sát hại, triều đình tôn người con thứ của ông là Đinh Toàn, khi đó mới 6 tuổi lên làm vua, Thái hậu Dương Vân Nga buông rèm nhiếp chính, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn xưng làm Phó vương. Tình hình triều đình vô cùng rốn ren. Trước những xáo trộn đó, Tứ phi Nguyễn Thị Sen cảm thấy buồn bã, bà dâng sớ lên triều đình xin được từ giã hoàng cung cùng với công chúa Liên Hoa trở về quê hương sinh sống. Tại đây, bà đem nghề may truyền dạy nghề cho nhân dân trong làng, khuyến khích họ chăm việc trồng dâu, nuôi tằm, lại dạy cả nghề quay tơ, dệt vải; thế rồi người nọ học người kia, cha truyền con nối, thế hệ trước dạy cho thế hệ sau, nghề may gắn bó với người Trạch Xá và trở thành nghề truyền thống của làng.

Tri ân công đức của Nguyễn Thị Sen, dân làng đã tôn bà là Thánh sư và khi bà mất họ đã lập đền thờ phụng, bốn mùa khói hương. Hàng năm vào giỗ kỵ của bà ngày 12 tháng Chạp âm lịch, dân làng Trạch Xá lại tổ chức lễ tế tổ để nhắc nhở mọi người nhớ đến bà tổ nghề của làng.

Có thể nói, Nguyễn Thị Sen là người phụ nữ tài đức có đủ. Bà không những làm tốt vai trò của một Hoàng hậu mà còn góp phần truyền bá rộng rãi một ngành nghề thủ công có giá trị cho người dân. Chính tà áo dài của làng Trạch Xá do bà truyền dạy đã tạo ra tiền đề cho tà áo dài hiện đại ngày nay. Trong bản “Thần tích Đức Thánh Tổ diễn thơ” của Cao Hữu Nghị có đoạn viết:

“Tứ phi vua – Nguyễn Thị Sen

Có bàn tay thợ diệu hiền tài hoa

Cai quản cung nữ hoàng gia

Văn hóa may mặc – Quốc gia Cung đình”

Nguồn: https://chuyenhaucung.com/2021/04/18/co-quoc-hoang-hau-ba-to-nghe-may/

COMMENTS

WORDPRESS: 0
DISQUS: 0